Nhà thầu xây dựng “thoi thóp”, kêu cứu Thủ tướng

Mấu chốt dẫn đến tình trạng này là biến động giá cả vật liệu quá lớn nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có cơ chế bù giá,…

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang đảm nhiệm vai trò nhà thầu thi công tại hàng loạt gói thầu lớn trên cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng bão giá vật liệu (Trong ảnh: Nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công tại dự án cao tốc Mai Sơn – QL45)

“Các nhà thầu xây dựng đang thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ tàn lụi” – đó là một trong những nội dung phản ánh về thực trạng của ngành xây dựng Việt Nam vừa được Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 26/CV-VACC vào hôm qua (29/6/2022).

Thực tế đáng buồn chưa từng xảy ra ở Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó khăn của các nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong đó điểm mấu chốt chính là tình trạng biến động giá cả cả vật liệu quá lớn nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý.

Dẫn chứng điều này, ông Hiệp cho biết, giá thép nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng từ 20 – 60%, giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg (thời điểm quý 4/2020) đến nay là 1.980 đồng/kg, giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020 đến nay là 15.500 đồng/kg,…

“Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao. Nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18 – 30%”, ông Hiệp dẫn chứng, chẳng hạn đối với nhà thầu Vinaconex thi công gói đường cao tốc Mai Sơn – QL45, ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm đó đã thấy lỗ 46% so với giá gói thầu được chủ đầu tư ký hợp đồng.

Theo ông Hiệp, tình trạng giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng cơ quan chức năng chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nên hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt là các gói thầu đường cao tốc Bắc – Nam lâm vào tình trạng sống dở, chết dở. Hiện có nhiều nhà thầu không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được cập nhật được theo giá thị trường. “Đây là một thực tế đáng buồn và chưa từng xảy ra ở Việt Nam”, ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Hiệp, ngành Xây dựng có đặc thù 70% số lao động là từ nông nhàn nhưng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động này không quay lại mà phần lớn ở lại trong quê tìm kiếm công việc khác, cũng vì sự khan hiếm nhân công nên đơn giá nhân công tăng lên đến 25% để cạnh tranh thu hút nhân lực.

Nhà thầu xây dựng mong được gặp Thủ tướng để kiến nghị

Vấn đề tài chính cũng đang là sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20 – 25% cuối của dự án. Thậm chí, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ.

“Mặc dù, hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản về cơ chế thanh toán để bảo vệ nhà thầu khỏi bị thua thiệt với các chủ đầu tư nhưng cho đến nay chưa có cơ quan nào lên tiếng. Các cuộc tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì phần lớn bên chịu thua thiệt là các nhà thầu. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng siết room tín dụng cho vay làm các nhà thầu đã khó khăn càng thêm điêu đứng về tài chính.

Z2618236256263 C9bd02860ca4bd290f0f7b3195ba9628
Các nhà thầu cao tốc Bắc – Nam đang lỗ lớn do bão giã vật liệu (trong ảnh: Thi công cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết)

Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý về giao nhận thầu còn nhiều rắc rối phức tạp, đối với các nhà thầu vừa mất nhiều thời gian, nhiều chi phí rải đường về thủ tục và cơ chế thanh quyết toán cũng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo giữa các ngành liên quan khiến các doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian. Cùng đó, tình trạng hồi tố của công tác kiểm toán, thanh tra gây khá nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp.

Ông Hiệp cho rằng: “Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ lụi tàn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng tập trung tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của họ bám sát giá thị trường vật liệu, cơ chế đấu thầu minh bạch và cơ chế thanh toán sòng phẳng. Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy, có thể nói đa số các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều đứng trước thách thức hết sức khốc liệt”.

Trước tình hình đó, thay mặt công đồng doanh nghiệp xây dựng, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan dành thời gian gặp mặt lắng nghe những kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp xây dựng để có ý kiến chỉ đạo cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khốc liệt này.

Nhà thầu lớn càng… lỗ lớn

Thông tin thêm với Tạp chí Giao thông, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, hiện nay, đơn vị đang đảm nhiệm thi công hàng loạt gói thầu lớn trên cao tốc Bắc – Nam, gồm: XL13 cao tốc Mai Sơn – QL45; XL1 cao tốc QL45 – Nghi Sơn; XL02 cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu; XL02 cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt; XL02 cao tốc Cam Lộ – La Sơn; XL02 cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ,…. Tuy nhiên, nhà thầu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình trạng bão giá vật liệu.

Lu Hamm Đức làm cao tốc

“Nếu các cơ quan chức năng không sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ, không chỉ Tổng công ty xây dựng Trường Sơn mà các nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ nặng. Nhà thầu nào lỗ ít thì 15%, còn lỗ nhiều phải lên tới 30%, chưa biết lấy tiền đâu mà bù lại?”, vị này chia sẻ.

Theo vị này, ngay thời điểm bắt đầu thi công các gói thầu cao tốc Bắc – Nam (khoảng cuối năm 2020), các chủng loại vật liệu chính đã biến động tăng đột biến, như: Thép, đất đắp, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, cấp phối đá dăm, xi măng, cốt liệu đá cho bê tông nhựa, nhiên liệu, nhựa đường,… nguyên nhân là các mỏ vật liệu địa phương (đất, đá) nâng giá vật liệu lên mặt bằng giá mới không theo quy luật thị trường, sự tăng giá giá phi mã của giá thép theo thông báo của nhà sản xuất cung cấp thép theo tình trạng chung từ quý 4/2020 đến nay.

“Giá thép thị trường đã tăng đột biến từ cuối quý 4/2020 và tiếp tục tăng mạnh trong quý 1/2021 đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại thời điểm tháng 8/2020, giá thép tròn đưa vào đơn giá dự thầu chưa bao gồm thuế VAT khoảng 11.300 đồng/kg, nhưng nhà thầu mua vào tháng 6/2021 giá thị trường khoảng 16.920 đồng/kg, chênh lệch khoảng 5.620 đồng/kg, tăng khoảng 50%. Thời điểm hiện nay khoảng 19.200 đồng/kg, chênh lệch khoảng 7.900 đồng/kg”, vị này cho biếti.

Đối với vật liệu cấp phối đá dăm, cốt liệu đá, cát vàng, xi măng,… trong quá trình lập dự toán gói thầu, hầu hết các loại vật liệu được tính toán so sánh giữa giá theo công bố liên sở và tính toán theo báo giá vật liệu của nhà cung cấp tại mỏ tính vận chuyển tới chân công trình dẫn tới một số giá vật liệu trong dự toán thấp hơn quy định trong công bố giá.

Hơn nữa, trong quá trình thi công thực tế, một số mỏ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án, không đáp ứng về khối lượng cung cấp, phải thay thế tại các mỏ khác, với cự ly vận chuyển xa hơn rất nhiều cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới giá vật liệu mua về chân công trình tăng cao.

Về đơn giá, các địa phương công bố giá ở các mỏ chủ yếu chỉ phù hợp để làm đường giao thông thông thường. Trong khi, làm đường cao tốc đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng vật tư, vật liệu rất cao, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cao nên vật tư, vật liệu khai thác tại các địa phương không thể đáp ứng đủ yêu cầu.

Cũng theo đại diện nhà thầu, trước đây, tiến độ bình quân làm một dự án cao tốc từ 3 – 4 năm, nhưng nay rút ngắn xuống chỉ còn 2 năm. Trong khi đó, nhiều tuyến cao tốc đi qua những nơi có điều kiện đặc thù vùng miền, địa chất phức tạp, thời tiết bất lợi khiến cho thời gian thi công không được dài nhưng đơn giá, định mức thì vẫn áp dụng cho toàn quốc.

“Có những dự án trong một năm chỉ thi công được 3 – 4 tháng, còn lại là trời mưa quanh năm, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để triển khai thi công. Trong khi đó, nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực trong cả một khoảng thời gian dài nhưng không thi công được, đến khi nắng ráo thì buộc phải huy động thêm lượng thiết bị, máy móc, nhân lực rất lớn để bù tiến độ. Bất cập là vậy, nhưng các phần phải tăng thì nhà thầu lại không được tính”, vị này chia sẻ.

 Đinh Quang

Nguồn GTVThttps://tapchigiaothong.vn/nha-thau-xay-dung-thoi-thop-keu-cuu-thu-tuong-d96

[

Đối tác

Copyright 2018 © Máy xây dựng Phúc Thịnh | Thiết kế bởi Web Bách Thắng